QUY TRÌNH NUÔI BABA GAI THƯƠNG PHẨM

QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI BA BA GAI (Palea steindachneri)

THƯƠNG PHẨM

1.  Xuất xứ công nghệ

Quy trình kỹ thuật nuôi ba ba gai thương phẩm là kết quả của dự án khoa học cấp Bộ Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ba ba gai Văn Chấn – Yên Bái, tỉnh Yên Bái”Do Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản thực hiện từ 01/2019 đến 12/2020 theo Quyết định số 2865/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm thực hiện dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020 để bắt đầu thực hiện từ năm 2019.

2.  Đối tượng và phạm vi áp dụng

Các hộ thuộc Thị trấn Nông trường Trần Phú; các xã Minh An, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La, Tân Thịnh, Cát Thịnh, Sơn Thịnh huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có đủ điều kiện tự nhiên và môi trường phù hợp cho ba ba gai sinh trưởng và phát triển thuộc vùng bản đồ chỉ dẫn địa lý Ba ba gai Văn Chấn – Yên Bái.

3.  Các chỉ tiêu kỹ thuật của quy trình

  • Tỷ lệ sống của ba ba gai: > 90%
  • Năng suất: 10 – 12 tấn/ha
  • Cỡ ba ba gai thương phẩm 2,5 – 3,5 kg/con. Ba ba gai đảm bảo chất lượng và các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.

4.  Danh mục các dụng cụ thiết bị chính

Bảng 1: Danh mục thiết bị tối thiểu cho 1 vụ nuôi ba ba gai

STTDanh mụcQuy cách, đặc điểmSố lượng (*)
1.Máy bơm nướcCông suất 2,2 KW01 máy
2.Máy bơm nướcCông suất 0,75 KW02 máy
3.Cân đĩaKhối lượng 30 kg01 chiếc
4.Cân đĩaKhối lượng 100 kg01 chiếc
5.Máy xay thức ănCông suất 1,0 – 1,5 KW01 chiếc
6.Tủ bảo quản thức ănDung tích 600 – 750 lít,

Nhiệt độ thấp nhất -180C

02 chiếc
7.Sàng cho ăn 04 chiếc

 

STTDanh mụcQuy cách, đặc điểmSố lượng (*)
8.Dụng cụ đo nhiệt độNhiệt kế thuỷ ngân05 chiếc
9.Dụng cụ đo pHBộ kiểm tra nhanh02 bộ
10.Dụng cụ đo DOBộ kiểm tra nhanh02 bộ
11.Dụng cụ đo H2SBộ kiểm tra nhanh02 bộ
12.Dụng cụ đo NH3Bộ kiểm tra nhanh02 bộ
13.Khác: Chậu, xô, chậu… Đủ dùng

(*) Tính quy mô cho 1 mô hình nuôi 100m2.

5. Sơ đồ tóm tắt quy trình công nghệ nuôi thương phẩm ba ba gai

6. Nội dung quy trình

6.1. Lựa chọn địa điểm nuôi

Trongquá trình khảo sát, lựa chọn địa điểm nuôi, đặc biệt chú ý nguồn nước, chất lượng nước, dự trữ tài nguyên chăn nuôi (chế biến, vận chuyển thức ăn, thu hoạch, bảo quản…) đồng thời xem xét chất đất, địa hình thổ nhưỡng, khả năng cung cấp điện điều kiện giao thông vận tải theo các yêu cầu và tiêu chí sau:

* Nguồn nước:

Ba ba gai thích nơi sống ở suối, hồ, ao, mương, đập nước, nguồn nước dưới đất, chỉ cần chất nước tốt, lượng nước đủ là được. Ở huyện Văn Chấn – Yên Bái, do

có thuận lợi của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hồ, ao, sông, suối nhiều, ít bị ô nhiễm, việc nuôi ba ba gai có nhiều thuận lợi nhưng chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Vì vậy nước cấp vào ao nuôi ba ba gai phải là nước suối và chủ động cung cấp trong cả vụ nuôi.

  • Chất nước:

Chất nước tốt hay xấu trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng nuôi dưỡng, nên xem xét chất nước, không thể chỉ dùng mắt quan sát mà phải kiểm tra, phân tích mẫu nước để có chỉ tiêu nước phù hợp với quy trình nuôi ba ba gai và đảm bảo một số chỉ tiêu lý – hoá như sau:

Bảng 2: Các yếu tố môi trường mước ao nuôi ba ba gai

STTCác yếu tố môi trườngĐVTChỉ tiêu
1Nhiệt độ(0C)20 – 30
2pH 6,5 – 8
3Hàm lượng oxy hòa tan(mg/L)>4
4Độ trong(cm)> 25
5NH4(mg/L)<0,15
6NO2(mg/L)0,1 – 0,2
7Độ cứng (CaCO3)(mg/L)105 – 128,3
8Chất đáy Thịt pha cát
  • Lượng nước:

Lượng nước nuôi ba ba không cần nhiều, tương đương với nước dùng nuôi cá (độ sâu nước 1 – 1,5m),trong quá trình nuôi cần giữ cho nước sạch, mùa hè nên thường xuyên thay nước chống nóng và ô nhiễm.

  • Chất đất:

Ao nuôi ba ba gai cần có mức nước ổn định, cho nên đất nền đáy cần phải giữ được nước, loại đất dính thẩm thấu kém là đất phù hợp nhất (thường dùng đất sét). Trên lớp đất đáy phủ lớp đất hạt nhỏ pha cát dày 15 – 30cm để ba ba có thể đào hang trú đông, nếu là lớp cát hạt nhỏ thì càng tốt. Cát hạt nhỏ mịn màng ba ba dễ đào hang, da không bị xây sát, khoẻ mạnh hơn, ít bệnh.

Chú ý không dùng loại cát hạt quá to, phủ lên lớp đất đáy dẫn tới giữ nước kém, dễ khô, thô và ráp.

  • Môi trường:

Nơi nuôi ba ba gai nên chọn chỗ ánh sáng tốt, ấm, yên tĩnh, nước sạch cấp thoát dễ dàng.Không chọn nơi có nguồn nước ngược hướng mặt trời, ở những khu vực ồn ào, gần trục giao thông, khu công nghiệp, nhà máy hoá chất.

Ba ba gai có tính nhút nhát, hô hấp bằng phổi, thường nổi lên mặt được để thở, nếu sống trong khu vực ồn ào, nhiều bụi sẽ làm hỏng hệ thần kinh và hệ hô hấp, dẫn tới mất cân bằng sinh học, ảnh hưởng mạnh đến khả năng tăng trưởng, tiêu hoá, miễn dịch, phát dục và hiệu quảnuôi giảm.

Ngoài ra, chọn nuôi ở nơi giao thông tiện lợi, nguồn thức ăn, điện cung cấp dồi dào cũng là chọn thuận lợi cho công việc làm ăn kinh tế này.

Hình 2. Nguồn nước suối cấp cho ao nuôi ba ba gai

6.2.Thiết kế và chuẩn bị ao nuôi

Diện tích: 100 – 200m2 Độ sâu: 1 – 1,5m.

Độ trong: 25 – 30cm

Hình 3. Hệ thống ao nuôi ba ba gai

Xung quanh ao, vườn xây tường cao 0,7 – 0,8m, đỉnh tường có gờ ngang rộng 15 – 20cm (ở phía lòng ao) để tránh ba ba bò đi mất.

Hình 4. Gờ ngang trên đỉnh tường ao nuôi ba ba gai

Khoảng cách giữa ao và tường bảo vệ tốt nhất để rộng 1 – 1,5m và trồng cây tạo bóng mát.

Bờ ao dốc thoải hoặc bắc cầu tạo 1-2 lối đi cho ba ba dễ lên xuống phơi để mình tắm nắng. Cửa cống cấp và thoát nước có lưới chắn chắc chắn.

Ao nuôi ba ba gai được thả bèo tây chiếm 50% mặt mước ao. Trường hợp nuôi nhiều ba ba cỡ khác nhau phải làm nhiều ao, hay ngăn ao phân loại lớn bé để nuôi riêng.

Hình 5. Hệ thống nuôi ba ba gai
(Tại xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, Yên Bái)
Hình 6. Ao nuôi ba ba gai phủ bèo tây (50%)

6.3 Lựa chọn và thả giống

  • Lựa chọn con giống:

Mùa vụ thả ba ba giống từ tháng từ tháng 3 – 11

Hình 7. Ba ba gai giống

Ba ba gai giống là những con được đẻ chính vụ (vụ 1) có kích cỡ phải đồng đều, không bị xây sát, không mang mầm bệnh. Người dân Văn Chấn thường ương ba ba giống đến cỡ 100 – 200g/con sau đó lựa chọn những có thân dẹt, hoạt động nhanh nhẹn (lật ngửa ba ba giống, ba ba lập úp lại ngay) mới thả vào ao nuôi thương phẩm.

Chất lượng con giống: Mua giống ở những nơi sản xuất giống có uy tín. Ba ba giống phải có ngoại hình dẹp, diềm mai rộng, da bóng, không bị sây xát, không bị dị hình, ba ba khỏe mạnh không bị nhiễm bệnh, nhanh nhẹn. Khi lật ngửa ba ba giống, ba ba lật úp lại ngay. Nên thả ba ba giống cùng kích cỡ và tối thiểu đạt 100g/con.

  • Mật độ nuôi:

Mật độ nuôi ba ba gai từ 1 – 1,5 con/m2.

6.4.   Chăm sóc và quản lý

6.4.1 Thức ăn và cho ăn

  • Loại thức ăn:

+ Thức ăn tươi: Cá tạp, ốc, cá mè, giun đất.

Hình 10. Thức ăn là giun đất

+ Chuẩn bị thức ăn tươi sống:

Thức ăn tươi sống thường được sử dụng nuôi ba ba gai gồm nhiều loại và đa dạng nên công việc chuẩn bị trước lúc cho ăn cũng khác nhau.

Một trong nhiều loại thức ăn thích hợp với những giai đoạn nuôi ba ba gai là giun đất, cá (cá mè), ốc.

Giun trước khi cho ba ba ăn cần nuôi trong nước sạch để giun thải hết phân, đất, sạn. Sau đó rửa sạch gột cho tụ thành búi và vớt ra cho ba ba ăn. Thức ăn tươi sống như: ốc, hến phải rửa sạch, băm nát rồi cho ăn.

Cá tươi sử dụng làm thức ăn cho ba ba phải nhúng qua nước sôi 2 – 3 phút để da cá nát ra rồi trộn lẫn với bột thức ăn, xay vụn nát.

– Phương pháp cho ăn:

Căn cứ khối lượng ba ba gai nuôi và khả năng tiêu hoá thực tế của ba ba mà người nuôi chọn định lượng phù hợp.

Theo kinh nghiệm khi nhiệt độ nước ở 280C, ba ba gai ăn một lượng thức ăn khoảng 2 – 3% khối lượng cơ thể đối với thức ăn cũ, đối với thức ăn mới là 5 – 10%.

Bảng 3:Số lần và tỷ lệ cho ba ba gai ăn hàng ngày.

Loại ba baSố lần cho ăn

trong ngày

Tỷ lệ thức ăn

mới %

Tỷ lệ thức ăn

phối hợp

Ba ba mới nở3- 46 – 104 – 5
Ba ba giống2 – 35 – 83 – 5
Ba ba trưởng thành1 – 24 – 62 -3

 

Hình 11. Cho ba ba ăn ốc
Hình 12. Cho ba ba ăn cá xay

Trọng lượng ba ba gai nuôi theo đúng phương pháp thường không ngừng

tăng trưởng, nên lượng thức ăn cũng phải tăng lên tương xứng. Thường 7 – 10 ngày phải điều chỉnh lượng thức ăn một lần.

– Thời gian cho ăn

Nuôi ba ba gai cần thiết phải chú ý tới thời gian cho ăn, khí hậu và nhiệt độ môi trường nước.

Thực tế, quá trình nuôi cho biết trong một năm, chỉ có khoảng 200 – 230 ngày ba ba ra ăn. Ba ba gai phải cho ăn 2 – 3 lần/ ngày, trình tự thời gian cho ăn: sáng 8 – 9 giờ chiều từ 14 – 15 giờ và tối từ 19 – 20 giờ.

Ba ba con nên cho ăn 2 – 3 lần/ngày, sáng từ 8 – 9 giờ, chiều từ 2 – 3 giờ.

Ba ba trưởng thành cho ăn 1 – 2 lần/ngày, sáng từ 8 – 9 giờ, chiều từ 4- 5 giờ. Thời gian cho ăn còn thay đổi theo sự lên xuống của nhiệt độ môi trường.

Nhiệt độ nước tăng lên cho ba ba ăn sớm hơn, nhiệt độ nước giảm cho ăn muộn hơn, số lần cho ăn có thể giảm đi.

Đầu tháng 3 hoặc hạ tuần tháng 10 do nhiệt độ xuống thấp, nên thường cho ba ba ăn vào buổi trưa và cho ăn ngày 1 lần hoặc 2 ngày 1 lần.

Nuôi ba ba trong bể trong nhà có mái che hoặc nuôi bằng nguồn nước ấm nóng, cần định giờ, định lượng cho ba ba ăn thích hợp mới khai thác được hiệu quả chăn nuôi cao.

– Vị trí cho ăn:

Cho ba ba gai ăn ngày 2 lần ở những vị trí cố định. Cho ăn vào sàng (mẹt, nia…) ngập trong nước 30 – 40cm. Sau mỗi lần cho ăn nên kéo lên kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn và vệ sinh lại sàng cho ăn.

Hình 13. Sàng cho ba ba ăn

Vị trí cho ăn trong ao (bể) nuôi ba ba cần cố định để đảm bảo thói quen tụ hội khi ăn, người nuôi tiện quan sát hoạt động, sức khoẻ, bệnh tật để có phương pháp quản lý ba ba nuôi phù hợp.

Một số cần chú ý:

  • Thức ăn phải được rửa sạch, băm nhỏ (phù hợp kích cỡ miệng từng giai đoạn phát triển của ba ba gai), không cho ăn thức ăn bị ươn, có mùi lạ, thức ăn có vị mặn và bị ẩm mốc.
  • Giảm lượng thức ăn khi nhiệt độ xuống thấp kéo dài.
  • Sau khi thay nước xong ba ba gai có thể bỏ ăn 1 – 2 ngày.
  • Tránh gây tiếng động mạnh khi cho ăn và khi thay nước.
  • Quản lý
    • Kiểm tra sinh trưởng

Định kỳ 30 – 40 ngày tiến hành thu ngẫu nhiên mẫu ba ba để kiểm tra tốc độ sinh trưởng của ba ba gai 1 lần bằng cách kiểm tra hình thái ngoài, đo chiều dài mai, đo chiều dầy thân và cân khối lượng từng cá thể.

  • Chế độ thay nước

Nước cấp vào ao thường có nhiều màu khác nhau do sự xuất hiện của các hợp chất vô cơ và hữu cơ hoà tan hay không hoà tan, hoặc sự phát triển của tảo.

Trong các ao nuôi ba ba gai có thể có các màu sau:

+ Màu xanh nhạt (xanh nõn chuối): Nước có màu xanh nhạt chứng tỏ nước có thành phần và mật độ tảo thích hợp. Ao đầy đủ oxy, ít khí độc và nhiều thức ăn tự nhiên giúp tôm cá lớn nhanh

+ Màu xanh đậm (xanh rêu): Tảo phát triển quá mức, thiếu ôxy vào sáng sớm. Nên giảm cho ăn và thay nước có thể cải thiện được tình hình.

+ Màu nâu đen: Ao có nhiều chất hữu cơ đang phân huỷ, dẫn tới thiếu oxy và nhiều khí độc.

+ Màu vàng cam: Nước nhiều sắt, gây độc cho vật nuôi.

+ Màu trắng đục (màu nước hến): Nước ao chứa nhiều hạt sét, trường hợp này thường do nước mưa rửa trôi đất từ trên cao xuống ao.

Trong ao nuôi ba ba gai định kỳ 15 – 20 ngày thay nước một lần nhằm duy trì nước ao có độ trong từ 30 – 40cm.

  • Cách giữ bèo trong ao

Bèo có tác dụng ổn định nhiệt độ nước trong ao nuôi động vật thuỷ sản nói chung và ao nuôi ba ba gai nói riêng. Ngoài ra bèo còn có tác dụng lọc nước trong ao nuôi. Thông thường trong ao nuôi ba ba gai nên duy trì lượng bèo trong ao từ 40

– 50% diện tích mặt nước ao, bèo được sử dụng là bèo lục bình (còn gọi là bèo tây) hoặc bèo Nhật Bản.

Bèo thả trong ao cần có khung cố định, tránh bèo lan rộng ra khắp mặt ao, và thường xuyên vớt bỏ khi phát triển quá mức. nên duy trì trong khoảng 1/3 – 1/2 diện tích mặt nước ao.

Hình 18. Bèo phát triển quá nhiều trong ao nuôi ba ba gai
Hình 19. Duy trì diện tích bèo trong ao nuôi ba ba gai

6.5. Phòng và trị bệnh cho ba ba gai

6.5.1 Phòng bệnh:

  • Chọn ba ba gai giống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
  • Trước khi thả giống phải tắm bằng dung dịch Đồng Sulfat (CuSO4) với liều lượng 6 – 8g/m3. Thời gian tắmtừ 20 -30 phút để phòng bệnh nấm và một số loài ký sinh đơn bào.
  • Cuối vụ khử trùng ao (bể) nuôi bằng cách bón vôi bột hoặc vôi củ cho ao, liều lượng sử dụng 10 -15 kg/100m2.
  • Không để thức ăn dư thừa, trước khi cho ăn phải loại bỏ thức ăn lần trước và vệ sinh sàng cho ăn.
  • Định kỳ 15 – 20 ngày/lần hoà vôi bột lượng1,5 – 2 kg với 15 – 20 lít nước và té đều khắp mặt ao cho diện tích 100m3ao (bể) nuôi.
  • Những ngày nhiệt độ nước 18 – 250C, dùng dung dịch đồng Sulfat (CuSO4) với nồng độ 6 – 8g/m3 hoặc thuốc tím nồng độ 15 – 20g/m3. Mỗi ngày tắm 1 lần/30 phút để phòng bệnh nấm thuỷ
  • Khi ba ba gai bị bệnh phải bắt và nhốt riêng để điều trị, đồng thời nhanh chóng vệ sinh môi trường ao nuôi.

Không nuôi ở mật độ quá dày.

6.5.2 Trị bệnh

Trong quá trình nuôi ba ba gai, nếu thấy ba ba kém ăn hoặc bỏ ăn, màu sắc da chuyển sang màu đen, gầy ốm, không bơi lội hoặc nổi lên trên mặt nước, phần diềm có màu hồng tím, không sợ người v.v… thì đó là những triệu chứng của bệnh.

Để xác định bệnh của ba ba có thể dùng kính phóng đại kiểm tra, phần niêm dịch (nhớt) trên thân hoặc các bộ phận khác của chúng, kết hợp quan sát bằng mắt thường, rồi phân tích tổng hợp nhằm chẩn đoán bệnh chính xác để có biện pháp trị bệnh đạt hiệu quả.

Một số bệnh thường gặp trong quá trình nuôi baba gai thương phẩm và cách phòng trị bệnh:

*  Bệnh sưng cổ:

Là một trong những bệnh thường gặp nhất. Bệnh này rất nguy hiểm, truyền nhiễm rất nhanh, nguyên nhân do vi rút và nấm.

  • Triệu chứng: Hoạt động chậm, thỉnh thoảng nổi lên mặt nước, thường bò lên bờ bờ, không muốn ăn, cổ bị xung huyết sưng lên có màu đỏ, bụng cũng xung huyết có màu đỏ và có những khoảng loét đỏ… Gan, tụy phù nề, mồm mũi chảy máu, 2 mắt mờ nhìn không rõ.
  • Phòng trị: Khi phát hiện có bệnh, cách ly ba ba bệnh. Dùng vôi tẩy ao, thay nước mới sạch. Lấy gan từ ba ba bị bệnh điều chế vắc xin tiêm cho ba ba lành để phòng bệnh.

* Bệnh phù đỏ ở mai bụngBệnh do vi rút gây

Triệu trứng: Mai bụng viêm đỏ. Bệnh này thường xảy ra khi vận chuyển, xếp ba ba đè nặng lên nhau, hoặc cũng có thể di phản ứng của một loại bệnh nào đó trong nội tạng

Hình 20. Ba bị bệnh viêm loét do vi khuẩn (Có vết loét trên mai và chân bị cụt, mòn)

Phòng trị: Dùng thuốc kháng sinh tiêm vào cơ thể. Khi bắt, vận chuyển ba ba chú ý bảo vệ không cho chúng cắn nhau. Khi có bệnh cần cách ly, dùng vôi tiêu độc cho ao

* Bệnh nấm thủy mi:

  • Triệu chứng: Trên da, cổ chân xuất hiện những vùng trắng xám, trên đó có các sợi nấm mềm.Sau vài ngày sợi nấm phát triển thành búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường (khi baba ở dưới nước sẽ nhìn rõ sợi nấm hơn). Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh.

Bệnh thường xuất hiện ở những ao nuôi với mật độ dày, nước nhiễm bẩn. Bệnh phát triển mạnh ở nhiệt độ nước 18 – 250C.Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông, mùa xuân và khi trời mưa kéo dài.

  • Phòng trị: Dùng dung dịch Sulfat đồng (CuSO4) với nồng độ 6 – 8g/m3 hoặc thuốc tím (KMnO4) nồng độ 15 – 20g/m3. Mỗi ngày tắm 30 phút.Làm liên tục trong vòng 5 – 7 ngày.

* Bệnh ký sinh đơn bào:

  • Dấu hiệu bệnh lý: Khi ký sinh trùng phát triển nhiều có thể thấy rõ bằng mắt thường, trong như những sợi bông. Nếu không quan sát kỹ trên kính hiển vi rất dễ nhầm tưởng sợi nấm thuỷ mi. Thường ký sinh ở trên da, cổ và kẽ chân baba. Ký sinh trùng có dạng hình chuông hoặc hình phễu lật ngược.Bệnh này thường gây chết hàng loạt khi baba còn nhỏ.
  • Chữa trị: Dùng dung dịch Sulfat đồng (CuSO4) với nồng độ 6 – 8g/m3 hoặc thuốc tím (KMnO4) nồng độ 15 – 20g/m3. Mỗi ngày tắm1 lần/30 phút.Làm liên tục trong vòng 1 tuần. Sau khi khỏi bệnh thì tiến hành thay nước

* Bệnh di độc tố mỡ

Bệnh sinh ra do cho ba ba ăn các loại cá, thịt, nhộng tằm có nhiều mỡ bị ươn ôi, mỡ bị biến chất sinh độc tố axit béo bị tích tụ nhiều trong cơ thể làm cho gan, tụy bị ngộ độc, hoạt động trao đổi chất không bình thường.

  • Triệu chứng: Ba ba lờ đờ, hay nổi lên mặt nước, bỏ ăn rồi chết. Khi bệnh còn nhẹ, nhìn bên ngoài khó phát hiện. Khi bệnh nặng, bề ngoài ba ba bị biến dạng, da bụng bị xám đen và có nhiều vết ban màu xanh tro, chàm, cổ sưng to, da phù, mình dày hơn lúc bình thường, dưới da có các bọng nước, chân sưng mỏng và mềm nhũn. Nếu giải phẫu ba ba thấy bụng có mùi thối, các mô mỡ có màu vàng nâu hoặc màu vàng đất (bình thường thì trắng hoặc hồng), gan sưng to và màu đen.
  • Phòng trị: Không cho ăn thức ăn quá béo hay thức ăn đã bị biến chất. Trộn vitamin B,C,E vào thức ăn cho ba ba ăn. Phối hợp cho ăn thức ăn động và thực vật, không cho ăn nhộng tằm, cá, thịt… đã để quá lâu dễ bị biến chất sinh ra độc tố.

* Bệnh gầy đét:

Hiện chưa có nghiên cứu rõ về bệnh này, theo kinh nghiệm thì bệnh gầy đét thường do mất cân bằng dinh dưỡng và nước bẩn gây ra.

  • Triệu chứng: Ba ba lờ đờ, gầy, ốm yếu, rất rõ hình bộ xương, kém ăn rồi bỏ ăn và chết.
  • Phòng trị: Hiện chưa có biện pháp hữu hiệu. Nên cho ăn đầy đủ và thức ăn chất lượng tốt.

* Bệnh sưng phổi kèm hỏng mắt:

  • Do vi khuẩn hình que phó đại tràng sinh

Triệu chứng: Ba ba mù cả hai mắt, lờ đờ thường là lên bờ nằm im một chỗ, khó thở, luôn ngóc đầu, há mồm. ăn kém rồi bỏ ăn. Mắt bị xung huyết, sưng mù, lòng đen bị lõm sâu, có rử mắt che kín. Nếu giải phẫu thấy phổi bị đen, có các nốt

sần cứng nổi lên trên. Bệnh phát sinh nhiều ở các ao bị bẩn về mùa nắng hạn. Mùa xuân và mùa thu ít bị bệnh.

  • Phòng trị: không để nước ao bị bẩn hoặc ô nhiễm; trong ao nuôi có thể thả lẫn cá chép, diếc, trôi, rô phi để tận dụng thức ăn thừa làm sạch ao. Vào mùa hay phát sinh bệnh, trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho ba ba ăn.
Hình 21. Ba ba gai bị bệnh do vi khuẩn (Phổi có màu đen và trên gan có các đốm đen)

* Bệnh ngộ độc do nước bẩn:

Do nước ao tù bẩn lâu ngày, sinh ra các chất khí độc (NH3, H2S, CO2…) với nồng độ cao, gây ngộ độc.

  • Triệu chứng: Chân, bụng, cổ bị xung huyết sưng đỏ, bị rữa nát nếu bị nặng diềm mai bị rách hình răng cưa.
  • Phòng trị: Thay nước, khử trùng đáy ao trước khi qua mùa đông.

* Các bệnh ký sinh trùng khác:

Ba ba gai còn bị nhiều loại ký sinh trùng khác như nguyên sinh động vật, đỉa… ký sinh ở nội tạng, máu, da, đường ruột… gây viêm loét các bộ phận cơ thể.

  • Phòng trị: Tắm cho ba ba bệnh trong dung dịch Sulfat đồng(CuSO4) hoặc thuốc tím nồng độ 8ppm trong 30 – 40 phút mỗi ngày một lần và tắm liên tục trong một tuần.

6.6. Thu hoạch ba ba gai

Sau chu kỳ nuôi > 3năm, tiến hành kiểm tra nếu thấy ba ba đã đạt yêu cầu thương phẩm (Cỡ thương phẩm 2,5 – 3,5 kg/con trở lên) thì có thể thu hoạch. Quy

cỡ xuất bán ba ba thương phẩm từ 2,5 – 3,5 kg/con có tính kinh tế nhất và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Thời gian thu hoạch thích hợp nhất và được giá nhất thường chủ yếu vào tháng 12 hoặc tháng 1 hàng năm, hoặc có thể thu hoạch vào những thời điểm được giá tùy theo yêu cầu của thị trường, do vậy phải cập nhật thông tin tốt. Thường bán ba ba gai thương phẩm vào tháng 1 và tháng chạp âm lịch.

6.6.1.  Có thể thu hoạch ba ba theo 2 cách:

Thu tỉa: Có thể xuống ao mò bắt, chọn những con đạt kích cỡ thương phẩm thu hoạch.

Thu toàn bộ: Tháo cạn, tát ao để bắt. Mùa thu hoạch chủ yếu vào tháng tháng 1 và tháng chạp âm lịch, mùa này nhiệt độ thấp, tỉ lệ sống cao.

Khi thu hoạch ba ba cần phải bắt nhẹ nhàng, không làm sây xát da, không dẫm lên lưng ba ba, không nhốt ba ba quá dày để tránh chúng cắn và cào móng vào lưng nhau dẫn đến bị tổn thương sẽ bị mất giá trị thương phẩm.

6.6.2.  Vận chuyển ba ba:

Trước khi vận chuyển không để ba ba ở trong nước mà để ở nơi ẩm ướt. Dụng cụ chứa ba ba là bị cói, dọ cói hoặc túi ưới cước. Sau cho vào sọt hay thùng gỗ thoáng, có lót bèo để giữ ẩm. Xếp một lượt bèo, một lượt ba ba, tốt nhất là ngăn cho mỗi con 1 ô.

Hình 22. Ba ba gai thương phẩm
Hình 22. Ba ba gai thương phẩm
Hình23. Bảo quản Ba ba gai

Nếu vận chuyển vào buổi trưa nắng nóng thì dùng đá bọc vải để lên trên cho nước mát chảy xuống. Nếu vận chuyển qua đêm thì khi nghỉ đêm phải tháo ra, sáng hôm sau đóng lại. Vận chuyển gần có thể dùng phương tiện đơn giản như: xe đạp, xe máy. Khi đi xa dùng ô tô hay máy bay, tàu hỏa. Quá trình vận chuyển thao tác cần nhẹ nhàng, tránh xây sát.

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?