Giới thiệu về Baba Gai

Ba ba gai (Ba ba suối) có tên tiếng Anh là Wattle-necked softshell turtle, tên khoa học là Palea steindachneri (Siebenrock, 1906).

Ba ba gai có mũi dài, mai có màu nâu đến xám với nhiều nốt sần không đều, yếm gần như trắng toàn bộ (có vài vết mờ hoăc lốm đốm), cá thể non có viền màu trắng nhạt, từ phía sau mắt đến đầu. Đặc điểm phân biệt rõ ràng với các loài ba ba khác là có các vết ngấn da sần ở cổ, rìa trước và trên mai có nhiều nốt sần (Hình 1). Tuy nhiên ba ba gai rất dễ bị nhầm lẫn bởi cua đinh ở miền Tây Nam Bộ.

Trên thế giới ba ba gai phân bố chủ yếu ở Việt Nam và Trung Quốc. Chúng là đối tượng sống trong môi trường hoang dã ở các sông, ngòi, khe suối ngoài tự nhiên. Tuy nhiên hiện nay ba ba gai được tìm thấy ở Trung Quốc rất ít (IUCN, 2017) và chủ yếu nhập từ Việt Nam. Ở Việt Nam ba ba gai phân bố tự nhiên ở các sông, suối đầm hồ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc nhưng chủ yếu tập trung ở huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái, do Văn Chấn có điều kiện địa lý, khí hậu rất thuận lợi cho ba ba gai sinh trưởng và phát triển.

Ba ba gai sinh trưởng và phát triển tốt ở các đầm hồ, khe suối miền núi, nơi yên tĩnh, kín đáo và có nguồn nước trong, mát và không bị ô nhiễm. Ba ba gai là loài nhút nhát, nhưng rất hung dữ hay cắn nhau. Con lớn có thể cắn con bé, thậm chí khi thiếu thức ăn có thể ăn cả con bé. Thức ăn chính cho ba ba gai chủ yếu là động vật. Sau khi nở vài giờ ba ba tự biết tìm mồi ăn. Mới nở ba ba con ăn động vật phù du, giun đất có kích thước nhỏ. Khi lớn ba ba gai ăn cá, tép, cua, ốc, giun đất và hến. Trong điều kiện nuôi nhân tạo ba ba có thể ăn xác động vật mới chết, phụ phẩm thực phẩm, ngoài ra còn ăn ngũ cốc (ngô, đậu tương,…).

Ba ba gai là loài đẻ trứng thụ tinh trong. Khi mới nở ba ba gai có khối lượng từ 5 – 8 gam/con. Trong điều kiện nuôi từ cỡ giống 50 – 100 gam/con, sau 1 năm ba ba gai có thể đạt từ 0,5 – 1,0kg, sau năm thứ 2 đạt từ 1,0 – 3,0kg. Ngoài tự nhiên ba ba gai có thể bắt đầu sinh sản từ 4 – 6 tuổi. Trong điều kiện nuôi dưỡng tốt từ 3 – 5 năm ba ba có trọng lượng 2,5 – 3,5 kg thì bắt đầu đẻ trứng.

Ba ba gai sống ở dưới nước nhưng đẻ trứng trên cạn, mùa sinh sản thường vào mùa mưa. Ban đêm ba ba gai bò lên bãi cát ven suối, bờ ao tìm chỗ kín đáo có đất, cát sốp ẩm bới làm tổ và đẻ trứng. Sau khi đẻ xong, chúng dùng hai chân trước cào lớp cát, đất lấp kín trứng, sau đó dùng bụng xoa nhẵn mặt đất rồi bò xuống nước sinh sống. Ba ba là loài không biết ấp trứng, sau 55 – 60 ngày thì trứng nở. Ngoài tự nhiên, tỷ lệ nở của trứng ba ba gai thấp do tác động của các yếu tố môi trường không thuận lợi và một số loài địch hại.

Thịt ba ba gai là một  trong những loại thức ăn quý, có giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100g thịt ba ba có khoảng 80g nước, 16,5g protein, 1g lipid, 1,6g carbohydrat, 107mg canxi, 1,4mg chất sắt, 3,7mg axit nicotinic, khá giàu các vitamin B1, B2, vitamin A và iốt. Các món ăn từ ba ba rất thích hợp cho những người bị bệnh lao, viêm gan mãn tính, xơ gan, tiểu đường, viêm thận, nam giới thận yếu thuộc thể can thận âm hư (người gầy yếu; hay hoa mắt, chóng mặt; có cảm giác sốt về chiều; lòng bàn tay, bàn chân nóng, gò má đỏ; vã mồ hôi trộm, di mộng tinh, miệng khát, họng khô, lưỡi đỏ,…).

1.2.2. Danh tiếng của sản phẩm ba ba gai Văn Chấn – Yên Bái

Theo các hộ nuôi ba ba gai Văn Chấn lâu năm kể lại, thì từ đầu của những năm đầu thập kỷ 90, một số người dân tại thị trấn Trần Phú, huyện Văn Chấn ra suối Phà bắt ba ba về làm thịt, số còn thừa thả vào ao sau nhà. Không ngờ ba ba một thời gian sau chúng sinh sôi rất nhanh. Một số hộ dân đã thu gom ba ba gai tự nhiên để nuôi. Ba ba gai được nuôi trong các ao hình thành từ việc ngăn các con suối nhỏ. Thức ăn của ba ba gai là giun đất. Người dân nhận thấy ba ba gai lớn nhanh, kích cỡ có thể đạt từ 15 – 30kg/con, to khác thường với một số loài ba ba khác (ba ba trơn, ba ba xanh chỉ có cỡ to nhất 2kg/con) và nghề nuôi ba ba gai ở Văn Chấn được hình thành. Tuy nhiên do nguồn giống tự lúc bấy giờ khan hiếm nên sản lượng ba ba gai của huyện Văn Chấn rất thấp.

Nghề nuôi ba ba gai Văn Chấn thực sự phát triển bắt đầu từ năm 2001, do người dân huyện Văn Chấn áp dụng và cải tiến kỹ thuật nuôi ba ba xanh (ba ba trơn) vào nuôi ba ba gai.

Đến nay Văn Chấn – Yên Bái có trên 500 hộ nuôi ba ba gai. Các hộ đã chủ động hoàn toàn về kỹ thuật sản xuất giống. Hàng năm sản xuất từ 50.000 – 70.000 con giống, đáp ứng 100% nhu cầu con giống cho các hộ nuôi trong huyện và cung cấp giống cho nhiều địa phương khác. Đối với ba ba gai thương phẩm đạt  từ 40 – 50 tấn/ năm, ước tính tổng thu nhập từ 90 – 100 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho trên 1.800 lao động trong đó có các đồng bào dân tộc.

Điều khác biệt của Văn Chấn với các địa phương khác là các tỉnh khác mua giống ba ba gai bố mẹ từ Văn Chấn – Yên Bái về nuôi và cho sinh sản nhưng vẫn không chủ động được về sản xuất con giống do tỷ lệ ba ba gai thành thục thấp và tỷ lệ nở của trứng thấp (chỉ đạt < 25%). Trong khi đó tỷ lệ ấp nở ba ba gai ở Văn Chấn đạt trên 80%. Cũng chính lý do trên nên từ năm 2003 đến năm 2007 Trung tâm khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ cho huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái 02 dự án là:

(1) Dự án nghiên cứu sản xuất giống ba ba gai, thực hiện từ năm 2003 – 2004, chủ trì thực hiện là Chi cục thủy sản Yên Bái.

(2) Dự án sản xuất thử giống ba ba gai và cung cấp cho 7 tỉnh, thực hiện năm 2006 – 2007, đơn vị chủ trì thực hiện là Chi cục Thủy sản Yên Bái.

Từ năm 2010 – 2013, Phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn đã tổ chức được 02 lớp chuyển giao về kỹ thuật nuôi ba ba cho 123 hộ dân đồng thời hỗ trợ cho 20 hộ dân nuôi ba ba gai sinh sản, quy mô 10 cặp/hộ (2 con cái và 1 con đực/cặp), với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng.

Từ năm 2014 – 2015 Hội Nông dân huyện Văn Chấn thực hiện thành công dự án xây dựng mô hình nuôi thương phẩm ba ba gai do Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái hỗ trợ kinh phí.

Ngoài ra, ba ba gai đã được Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Văn Chấn đánh giá là loài dễ nuôi ở Văn Chấn, chu kỳ khai thác dài, có ưu thế phát triển và là thế mạnh của huyện. Từ năm 2014 – 2016 Quỹ tín dụng nhân dân của thị trấn Trần Phú đã tạo điều kiện cho 251 lượt hộ nông dân vay vốn với kinh phí trên 13 tỷ đồng để sản xuất giống và nuôi ba ba gai thương phẩm. Ba ba gai Văn Chấn – Yên Bái dần dần được nhiều người biết đến và có được danh tiếng trên thị trường, nhiều hộ nuôi ba ba gai đã trở thành tỷ phú, nhiều đoàn nông dân của các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An,… đến thăm quan và học tập (Báo dân sinh- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Các làng nuôi ba ba gai ở Văn Chấn- Yên Bái rất nổi tiếng trong ngành thủy sản .

Hình 2. Làng nuôi ba ba gai ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

1.2.3. Một số đặc thù sản phẩm ba ba gai Văn Chấn – Yên Bái.

Theo điều tra sơ bộ ba ba gai Văn Chấn – Yên Bái phần phía dưới bụng có các chấm màu đen xám, phần mai cứng rộng hơn và phần mai mềm không bị rủ xuống như các ba ba gai nuôi ở các tỉnh khác.

Ngoài ra ba ba gai Văn Chấn – Yên Bái thịt có ít mỡ, chắc và có độ giòn, khi chế biến ninh lâu, thịt và phần mai mềm không bị nhũn, nấu không hao thịt. Do ba ba gai được nuôi tại huyện Văn Chấn có những đặc tính quý như trên nên hiện nay trên thị trường ba ba gai giống cỡ 40 – 50g/con (cỡ bằng hạt gấc) có giá từ 200.000 – 300.000đ/con và giá ba ba gai thương phẩm có giá từ 500.000 – 600.000đ/kg (cao gấp 2 lần so với ba ba trơn và 25 – 30% so với ba ba gai nuôi ở vùng khác). Hiện nay trên thị trường người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn giữa ba ba gai và ba ba trơn; ba ba gai Văn Chấn – Yên Bái với ba ba nuôi ở vùng khác.

1.2.4. Các yếu tố quyết định đến chất lượng đặc thù của ba ba gai Văn Chấn – Yên Bái

  1. a) Điều kiện tự nhiên (địa lý, khí hậu và môi trường).

Huyện Văn Chấn là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, tổng diện tích tự nhiên 121.090,02 ha, chiếm 17% diện tích toàn tỉnh. Huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp huyện Mù Cang Chải, phía Đông giáp huyện Văn Yên và Trấn Yên, phía Tây giáp huyện Trạm Tấu, phía Nam giáp tỉnh Sơn La. Huyện Văn Chấn cách trung tâm kinh tế – chính trị – văn hoá tỉnh Yên Bái khoảng 72 km; cách thị xã Nghĩa Lộ 10 km và cách thủ đô Hà Nội 200 km. Giao thông của huyện có trục đường quốc lộ 32 chạy dọc theo chiều dài của huyện, là cửa ngõ đi vào thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, huyện Phù Yên, Bắc Yên tỉnh Sơn La và tỉnh Lai Châu. Đường quốc lộ 37 chạy qua 4 xã, đây là điều kiện thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế với các huyện trong tỉnh và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ,… .

Huyện Văn Chấn nằm ở sườn phía Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn. Địa hình phức tạp, có nhiều rừng, núi, hang động, khe suối chằng chịt, thung lũng bằng phẳng. Độ cao trung bình cao hơn so với mặt nước biển khoảng 400m. Tuy địa hình khá phức tạp nhưng huyện Văn Chấn chia thành 3 tiểu vùng kinh tế:

– Vùng trong (vùng cánh đồng Mường Lò): gồm 12 xã, là vùng tương đối bằng phẳng, có cánh đồng Mường Lò rộng trên 2.400 ha và đứng thứ 2 trong 4 cánh đồng Tây Bắc.

– Vùng ngoài: gồm 9 xã và thị trấn, có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước.

– Vùng cao thượng huyện: gồm 10 xã, có độ cao trung bình 600m trở lên, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc.

Văn Chấn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 20 – 300C; mùa đông rét đậm nhiệt độ có thể xuống dưới tới -20C. Tổng nhiệt độ cả năm đạt 7.500 – 8.100 0C; lượng mưa được chia thành hai mùa rõ rệt (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa mưa ít, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm là mùa mưa nhiều). Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1200 đến 1600mm. Số ngày mưa trong năm 140 – 150 ngày. Độ ẩm bình quân từ 83 – 87%, thấp nhất là 50%. Thời gian chiếu sáng nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 9, ít nhất từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau; lượng bức xạ thực tế đến được mặt đất bình quân cả năm đạt 45%, đây là điều kiện thích hợp phát triển các loại động thực vật á nhiệt đới, ôn đới và các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp.

Các hộ nuôi ba ba gai Văn Chấn – Yên Bái nằm dọc theo đường 32 từ thành phố Yên Bái lên Nghĩa Lộ. Ở đây có điều kiện địa hình đồi núi dốc mạnh, lượng mưa lớn và tập trung nên tạo cho huyệnVăn Chấn một hệ thống ngòi suối khá dày đặc, có tốc độ dòng chảy lớn và lưu lượng nước thay đổi theo từng mùa, trong đó có suối Phà, suối Lao là do hệ thống các suối nhỏ: Ngòi Nhì, Nậm Tăng, Nậm Mười, Nậm Đông, Hợp Thành và được bắt nguồn từ vùng núi đá trắng có độ cao trên 2.000m. suối Phà và suối Lao chảy uốn quang đèo Ách là nơi cung cấp nguồn nước chính cho các hộ nuôi ba ba gai ở Văn Chấn. Nước suối trong, mát giàu khoáng chất ngoài việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt thì đây còn là tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi ba ba gai. Có thể do nước suối Phà và suối Lao ở đây trong sạch, có nhiều khoáng chất nên việc hình thành mai cứng của ba ba gai rất nhanh, ba ba gai ít bị bệnh so với ba ba ở các địa phương khác. Người dân nơi đây thỉnh thoảng vẫn gọi ba ba gai là ba ba suối vì nó sinh sống bằng nước suối.

Ngoài ra Văn Chấn – Yên Bái còn là huyện gần các đường giao thông đi Trung Quốc đó là thị trường tiêu thụ lớn ba ba gai thương phẩm. Ba ba gai đã được nuôi ở Yên Bái từ lâu đời nhưng thực sự phát triển mạnh là do kênh thông tin tuyên truyền và sự giúp đỡ của Khuyến ngư Trung ương, Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái. Cho đến nay Yên Bái đã phát triển được trên 1.000 hộ nuôi, đặc biệt là huyện Văn Chấn có trên 500 hộ, các hộ đã thu lợi nhuận từ 50 – 500 triệu đồng/năm.

  1. b) Yếu tố con người.

Ba ba gai được một số hộ dân gom về nuôi thử vào khoảng năm 1990, thấy con ba ba gai lớn nhanh, nguồn thức ăn chủ yếu là giun đất, cá mè… (nguồn thức ăn sẵn có và dồi dào) do vậy bà con nuôi và đã để ba ba gai sinh sản.

Trải qua hơn 20 năm đồng bào nơi đây đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm ba ba gai. Việc lựa chọn ba ba gai bố mẹ là một trong những bí quyết để đạt thành công trong việc nhân giống ba ba gai. Ba ba gai đực có khối lương rất lớn từ 15 – 35kg/con. Ở huyện Văn Chấn ba ba gai có  khả năng sinh sản từ 3 đến 4 đợt/năm, mỗi đợt ba ba gai đẻ từ 25 đến 27 trứng và tỷ lệ nở đạt từ 80 – 90%.

Đến nay đã có rất nhiều hộ tham gia sản xuất giống, nuôi thương phẩm ba ba gai và đã có nguồn thu nhập trên 500 triệu/ năm. Từ năm 2000 đến 2008 giá bán con giống chỉ đạt từ 30.000 – 50.000đ/con, sau được tăng dần lên. Đến năm 2011, giá bán ba ba gai giống đã là 400.000 đồng/con về sau có lúc tăng lên 700.000 đồng/ con, giá ba ba gai bố mẹ lên đến 2.500.000 đồng/ kg.

Hình 3. Ba ba gai (Đạt trọng lượng 20kg)
Hình 3. Ba ba gai (Đạt trọng lượng 20kg)

Kỹ thuật nuôi ba ba gai thương phẩm cũng được bà con nông dân trong huyện Văn Chấn đúc rút từ thực tiễn sản xuất. Với thuận lợi có nguồn nước suốt trong, mát nhiều khoáng chất nên người nuôi dễ dàng duy trì được môi trường nuôi trong sạch, thuận lợi cho ba ba gai phát triển.

Theo Đề án phát triển ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 – 2020 thì phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có trên 800 mô hình nuôi ba ba gai thương phẩm quy mô 500 con/mô hình và tập trung tại huyện Văn Chấn.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó. Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Sản phẩn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ nâng cao được danh tiếng, uy tín và giá trị của sản phẩm, giúp cho nghề sản xuất các sản phẩm bảo hộ được đa dạng, ổn định, đặc biệt tăng giá trị sản lượng xuất khẩu. Thông qua chỉ dẫn địa lý, có thể nhận biết một khu vực địa lý cụ thể gắn liền với chất lượng, danh tiếng và những đặc tính riêng có của sản phẩm mà chỉ ở nơi ấy mới có. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang lại nhiều lợi ích, từ phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm của một vùng miền cho đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chỉ dẫn địa lý cũng là công cụ marketing quan trọng trong cạnh tranh thị trường và truy xuất nguồn gốc.