NHỮNG TRIỆU PHÚ BA BA Ở VĂN CHẤN

Từ thất bại…

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ba ba của gia đình ông Phạm Ngọc Vê ở khu 10 B, thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) vào một ngày đầu tháng 4, trời mưa, ẩm ướt.  Mặc dù đang rất bận rộn xây ngôi nhà 2 tầng trên 170 m2 cho người con trai út, nhưng thấy khách đến, ông sẵn lòng tạm gác công việc, mời chúng tôi đi tham quan khu ao nuôi ba ba của gia đình mình. Nhìn những bước chân vững chắc của người đàn ông đã 63 tuổi đi trên những tấm bê tông chỉ lọt bàn chân, ngăn chia ao ra thành nhiều ô nhỏ, mà không cần gậy chống giữ thăng bằng, cũng có thể cảm nhận được sự quyết tâm, thuỷ chung, gắn bó với nghề nuôi ba ba đã gần 15 năm của ông.

– Ao nuôi ba ba này của gia đình rộng bao nhiêu?

Ông Vê khua tay một vòng xung quanh ao giới thiệu:

-Ao này rộng 216 m2. Những ngăn to nuôi ba ba bố, mẹ, ngăn nhỏ nuôi ba ba giống, còn cái nhà thấp bé, lợp phi brô xi măng trên bờ kia là để cho ba ba lên đẻ, ấp trứng.

Ao nuôi ba ba của ông Vê tuy diện tích không rộng, nhưng trông rất quy củ. Xung quanh bờ ao được bê tông hoá và rào bằng thép B40, vừa để ngăn không cho ba ba vượt bờ khi lũ về, vừa để phòng trộm.

Quả thật, chúng tôi cũng đang tò mò không hiểu vì sao diện tích nuôi ba ba khiêm tốn như vậy mà ông lại trở thành triệu phú được.

Ngồi trong lán trông công trình xây dựng, ông Vê rót nước trà mời khách, rồi chậm rãi kể: “Năm 1993, sau khi về nghỉ hưu, tôi thấy mình còn sức khoẻ, gia đình con cái đông mà không nghĩ ra việc gì đó làm thì rất khó khăn vì đồng lương hưu không thể đủ trang trải sinh hoạt và nuôi các con ăn học. Đọc trên sách, báo thấy có nhiều mô hình nuôi ba ba ở Hải Dương mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã quyết định đầu tư xây ao nuôi ba ba và vận động ông Quỳnh, ông Sách, ông Nông, ông Hùng ở thị trấn cùng đầu tư xây ao nuôi.

Sau đó, chúng tôi về tham quan mô hình nuôi ba ba của gia đình ông Phan Văn Sứng ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và mua giống về nuôi ba ba thương phẩm. Riêng tôi, mua ba ba giống mất 12 triệu đồng được 120 con; còn ông Quỳnh, ông Sách, ông Nông, ông Hùng, mỗi người mua khoảng từ 6- 8 triệu tiền giống. Mang về nuôi được một thời gian thì có anh hàng xóm cho 1 con chó chết, tôi đã vứt cả xuống ao cho ba ba ăn, nhưng chúng không ăn được, đói cắn nhau sinh bệnh, môi trường lại bị ô nhiễm. Sáng ra, ba ba chết nổi lên vớt được hàng rổ, tôi phải giấu vợ con mang đi chôn ngay”.

Do kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi ba ba chỉ được nghe truyền đạt lại, nên lứa ba ba thương phẩm đầu tiên của ông Vê và một số hộ nói trên hầu như mất trắng. Lứa ba ba thương phẩm đầu tay của ông Trần Nam Huân ở thôn Văn Hưng 2, xã Cát Thịnh còn mất trong cảnh trớ trêu hơn. Cuối năm 1993, ông Huân cũng về Hải Dương và Thái Bình tham quan, học tập kỹ thuật, rồi mua ba ba về nuôi. Ông vay ngân hàng 24 triệu đồng đầu tư  xây ao và mua 200 con giống ba ba trơn về nuôi thương phẩm. Không may, một hôm trời mưa lũ, mất điện, kẻ gian đã đến bắt trộm, đến khi tháo ao bán, cống lại bị tụt nắp, ba ba “quá bộ” ra suối gần một nửa, số còn lại bán lỗ mất 3/4 số tiền đầu tư. Đến năm 1995, bệnh bã đậu lại cướp đi của ông 38 kg ba ba gai bố, mẹ, trị giá khoảng trên 45 triệu đồng. Còn cái thua thiệt của gia đình anh Đàm Quốc Hùng ở khu 4, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ thì do ảnh hưởng cơn bão số 7 năm 2005 gây ra. Ao nuôi ba ba của gia đình anh tại xã Phù Nham bị lũ làm vỡ bờ, thiệt hại cả ao xây và ba ba mất trên 60 triệu đồng…

… Đến thành công

Thất bại do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, thiên tai, dịch bệnh và cả những lý do khó lường nhưng ông Vê, ông Huân, anh Hùng… và một số gia đình nuôi ba ba ở thị trấn Nông trường Trần Phú, Nghĩa Lộ và xã Cát Thịnh vẫn không hề nản chí; họ cùng quyết tâm nghiên cứu, học hỏi qua thực tế và sách báo… đầu tư vốn để tiếp tục cuộc hành trình. Được ngành khuyến ngư tỉnh giúp cho mỗi gia đình bị thiệt hại 3 triệu đồng, ông Vê đã mời 5 gia đình nuôi ba ba họp lại thành lập chi hội nuôi ba ba để cùng nhau tìm giải pháp. Năm 1996, ba ba trơn lên ngôi, giá bán ba ba thương phẩm từ 400- 450 ngàn đồng/kg, ba ba gai nhân dân bắt ở suối bán 120 ngàn đồng/kg, ông Vê đã bàn bạc với anh em trong chi hội mua ba ba gai của dân đánh bắt ở suối về nuôi sinh sản.

Ông đã sưu tầm sách dạy nuôi ba ba của Bộ Thuỷ sản, sách của Đài Loan, Thái Lan dịch ra tiếng Việt tự học cách nuôi, chăm sóc và mua ba ba bố, mẹ. Giữa năm đó, những con ba ba gai của ông Vê đã đẻ được 80 quả trứng, nhưng do không biết kỹ thuật ấp để ngoài trời, trứng ung hỏng hết. Không chịu khuất phục, ông lại tiếp tục đọc, nghiên cứu tài liệu, rồi xây nhà cho ba ba lên đẻ, ấp trứng. Năm 1997, những con ba ba của ông Vê lại đẻ được 180 quả trứng, ấp nở được 94 con, ông phấn khởi chia cho anh em trong chi hội cùng nuôi. Ai nuôi giống ba ba gai do ông Vê sản xuất cũng thấy lớn nhanh gấp gần 2 lần giống ba ba trơn nên đều rất phấn khởi. Thời gian này, ba ba trơn thương phẩm lại xuống giá, ba ba gai lại lên ngôi nên nhiều gia đình ở thị trấn Nông trường Trần Phú và xã Cát Thịnh đã đào, xây ao mua giống ba ba gai của ông Vê. Bán ba ba giống, ông Vê còn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ đến mua.

Anh Đàm Quốc Hùng ở khu 4, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ tâm sự: “Mua giống ba ba gai của ông Vê về nuôi yên tâm lắm, vì giống bố, mẹ rất tốt nên ba ba con khoẻ và lớn nhanh”.

Từ năm 1998- 2007, bình quân mỗi năm gia đình ông Vê sản xuất từ 700- 800 con ba ba gai giống, bán với giá 200 ngàn đồng/con, mỗi năm cũng có thu nhập từ 150- 200 triệu đồng. Riêng năm 2005, ông thu được 317 triệu đồng… Tiền thu nhập từ nuôi ba ba, ông Vê đã nuôi 4 người con ăn học, có công ăn việc làm ổn định. Không những thế, ông còn xây cho mỗi con một ngôi nhà và mua cho 1 chiếc xe máy đắt tiền… Giờ nói đến ông Vê, mọi người dân ở thị trấn Nông trường Trần Phú và thị tứ Ba Khe đều bảo: “Được làm con ông Vê thì sướng lắm, chắc chẳng phải làm gì cả!”.

Cũng như ông Vê, dù đã trải qua biết bao thăng trầm, ông Huân vẫn kiên trì, một lòng thuỷ chung với nghề nuôi ba ba. Những năm gần đây, mỗi năm gia đình ông xuất bán được trên 300 con ba ba giống, trừ chi phí cũng có lãi từ 60- 70 triệu đồng. Nhờ nuôi ba ba, gia đình ông Huân đã xây được ngôi nhà gần 80 m2 khang trang và đầu tư cho 5 người con ăn học đàng hoàng, 4 người đã đi làm, hỗ trợ tiền mua đất làm nhà cho các con khi xây dựng gia đình… Còn anh Hùng, sau thiệt hại do lũ gây ra, anh tu sửa lại ao nuôi ba ba thương phẩm, năm 2006 – 2007 xuất bán lãi được 30 – 40 triệu đồng/năm.

-Anh có định gắn bó với nghề nuôi ba ba lâu dài không? Tôi hỏi.

Anh Hùng quả quyết:

-Dù thế nào đi nữa, mình cũng vẫn chung thủy với cái nghề này. Tới đây mình sẽ xây thêm ao nuôi ba ba sinh sản. Năm trước định làm rồi nhưng chưa vay được tiền ngân hàng, với lại, mức cho vay thấp quá, đầu tư nuôi ba ba không thấm vào đâu cả.

Để có được khối tài sản lớn từ ba ba thật không đơn giản. Qua trò chuyện, tâm sự với những triệu phú ba ba ở Văn Chấn mới cảm nhận được những khó khăn mà họ đã phải vượt qua. Hiện nay, Văn Chấn có 2 chi hội nuôi ba ba: chi hội ở thị trấn Nông trường Trần Phú do ông Phạm Ngọc Vê làm chi hội trưởng có 84 hội viên; chi hội của nuôi ba ba ở Cát Thịnh do ông Trần Nam Huân làm chi hội trưởng có 50 hội viên. Mỗi năm 2 chi hội sản xuất được trên 10.000 con ba ba giống và trên 3.500 kg ba ba thương phẩm, bán ra thị trường, thu về được gần 5 tỷ đồng. Về đầu ra cho ba ba thương phẩm và ba ba giống thì cung vẫn không đủ cầu, nhưng cái khó của nhiều hộ nuôi ba ba ở Văn Chấn hiện nay là nguồn nước sạch và vốn để đầu tư mở rộng mô hình nuôi.

Hy vọng trong thời gian tới, huyện sớm có chính sách cho vay ưu đãi đầu tư nuôi ba ba, để Văn Chấn sẽ có nhiều người dân có thể làm giàu từ mô hình này.

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?